Việc thực hiện xây dựng một công trình đòi hỏi phải trải qua nhiều bước khác nhau trong đó không thể thiếu được các bản vẽ. Nếu như bản thiết kế giúp chủ thầu xây dựng theo đúng mong muốn của nhà đầu tư thì bản vẽ hoàn công sẽ thể hiện tình trạng thực tế công trình sau khi xây. Có thể nhiều người chưa biết rõ về bản vẽ này vì thế hãy cùng VINA Land tìm hiểu nhé.
Hiểu đúng bản vẽ hoàn công là gì?
Hoàn công là một loại thủ tục hành chính bắt buộc phải thực hiện sau khi xây dựng xong một công trình hay một ngôi nhà. Mục đích chính đó là giúp hợp pháp hóa các loại tài sản gắn liền với đất.

Ở công đoạn này, các bên có liên quan sẽ cùng nhau xác nhận xem công trình kiến trúc đã được thi công hoàn thành hay chưa, có thể nghiệm thu thành công hay không và sẵn sàng để đưa vào khai thác, sử dụng chưa. Chủ đất muốn có chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở trên đất bắt buộc phải thực hiện hoàn công xây dựng.
Như vậy có thể khẳng định, việc hoàn công là điều kiện cần giúp chủ nhà nhận được Sổ hồng và bổ sung quyền sở hữu nhà ở vào Sổ đỏ. Muốn hoàn thiện hồ sơ để công nhận tài sản, bạn bắt buộc phải có bản vẽ hoàn công. Vậy bản vẽ hoàn công là gì?
Bản vẽ hoàn công là bản thiết kế thể hiện một cách chính xác nhất tình trạng thực tế của công trình sau khi đã hoàn thiện. Thông qua bản vẽ, chủ nhà có thể so sánh được kích thước thực tế so với kích thước bản thiết kế là như thế nào.
Bản vẽ hoàn công cũng là căn cứ cho biết so với thiết kế ban đầu công trình có thay đổi gì.
Nếu như kích thước và các thông số thực tế của công trình trùng khớp với thiết kế thi công thì bản vẽ này sẽ chính là bản vẽ hoàn công luôn. Bên trên bản vẽ sẽ bao gồm:
- Họ và tên đầy đủ cùng chữ ký của người thực hiện lập bản vẽ hoàn công.
- Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu tiến hành thi công xây dựng công trình ký tên và đóng dấu.
- Người giám sát thi công xây dựng bên phía chủ đầu tư cũng phải ký tên xác nhận.
Phân biệt bản vẽ hoàn công và bản vẽ thiết kế
Cả bản vẽ thiết kế cũng như bản vẽ hoàn công sẽ đều được xây dựng dựa trên một hệ tọa độ với cao độ và tỷ lệ giống nhau. Phương thức thể hiện đối với các tiểu tiết và hạng mục công trình là hoàn toàn giống nhau.

Sự khác biệt lớn nhất giúp phân biệt 2 bản vẽ này đó chính là sự thay đổi về kích thước hậu thi công. Bản thiết kế thể hiện công trình trước khi thi công, chưa có công trình. Chủ đầu tư cùng với đơn vị thi công, giám sát sẽ dựa vào bản thiết kế để thi công công trình.
Còn bản vẽ hoàn công thực hiện dựa trên công trình đã hoàn thành. Sự chênh lệch của bản thiết kế và bản vẽ hoàn công là dựa trên số liệu từ thực tế của công trình chứ hoàn toàn không phải thay đổi trong ý tưởng thiết kế của kiến trúc sư.
Nhiều công trình trong quá trình thi công, dựa vào điều kiện thực tế, không thể đáp ứng chuẩn theo bản vẽ thiết kế. Điều này sẽ được thể hiện rõ trong bản vẽ hoàn công.
Bản vẽ hoàn công có những loại nào?
Bản vẽ hoàn công có rất nhiều loại khác nhau. Bởi các bên liên quan hoàn toàn có thể yêu cầu bản vẽ của cả công trình hoặc từng hạng mục. Tùy vào quy mô của từng dự án, chúng ta sẽ có những loại bản vẽ hoàn công như sau:
- Bản vẽ hoàn công về các công việc xây dựng
- Bản vẽ hoàn công đối với từng giai đoạn xây dựng
- Bản vẽ hoàn công khi thực hiện lắp đặt thiết bị
- Bản đồ hoàn công liên quan đến tổng thể công trình
- Bản vẽ hoàn công đối với từng bộ phận công trình
- Bản vẽ hoàn công đối với từng hạng mục

Tầm quan trọng của bản vẽ hoàn công
Bản vẽ hoàn công thể hiện một cách chi tiết kích thước, thông số thực tế của công trình xây dựng sau khi đã được hoàn thành. Chính vì thế mà bản vẽ này có vai trò vô cùng quan trọng.
Thông qua bản vẽ giúp cho gia chủ nắm được tình trạng thực tế cũng như vị trí chính xác nhất của từng hạng mục công trình sau khi xây dựng hay sửa chữa lại nhà.
Bên cạnh đó, bản vẽ hoàn công cũng là một loại giấy tờ quan trọng giúp nhà thầu xây dựng có thể hoàn tất thanh toán. Nhờ có bản vẽ mà cơ quan nhà nước sẽ nắm bắt được xem chủ nhà có xây đúng theo giấy phép hay không.

Các quy định về bản vẽ hoàn công cần nắm rõ
Các quy định về bản vẽ hoàn công mà người lập cần phải chú ý đó là:
Trong trường hợp các kích thước và thông số thực tế của công trình, các hạng mục không vượt quá sai số trong phạm vi cho phép thì có thể sử dụng bản vẽ thiết kế để làm bản vẽ hoàn công.
Nếu các kích thước, thông số thực tế của công trình sau khi thi công có thay đổi so với bản thiết kế đã được phê duyệt thì nhà thầu thi công xây dựng được phép ghi lại các trị số kích thước, thông số theo đúng thực tế. Các thông số này để trong ngoặc đơn bên dưới hoặc bên cạnh của chỉ số đó.
Nếu thực hiện bản vẽ hoàn công mới thì thực hiện theo quy định tại Phụ lục IIB kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP;
Đối với từng bộ phận công trình bị che khuất, bắt buộc phải tiến hành vẽ hoàn công. Đồng thời, đo đạc chính xác kích thước, thông số trước khi thực hiện hoàn công.
Trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên nằm trong liên danh đó phải có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công đối với phần việc do mình đảm nhiệm và không được phép ủy quyền.

Đối tượng nào có trách nhiệm phải lập bản vẽ hoàn công?
Bản vẽ hoàn công bắt buộc phải có được sự thống nhất từ tất cả các bên có liên quan đến công trình. Vậy chính xác thì ai là người có trách nhiệm phải lập bản vẽ này?
Đối tượng lập bản vẽ hoàn công được quy định cụ thể và chi tiết tại Phụ lục II Thông tư 26/2016/TT-BXD. Theo đó:
- Đơn vị thực hiện thi công, xây dựng chính là đơn vị phải có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công do mình đảm nhiệm. Bản vẽ thể hiện đầy đủ tất cả các hạng mục, công trình. Nếu đó là bộ phận bị che khuất thì đơn vị này có trách nhiệm phải lập bản vẽ trước khi tiến hành các hạng mục tiếp theo của công trình.
- Nếu đơn vị thực hiện thi công có nhiều thành viên thì mỗi một thành viên nằm trong liên danh đó đều phải có trách nhiệm lập bản vẽ. Mỗi người sẽ lập bản vẽ các hạng mục đứng tên mình thực hiện. Tuyệt đối không được ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào hay thành viên còn lại trong liên danh thực hiện.

Các hạng mục cần chuẩn bị khi làm hồ sơ hoàn công
Nếu bạn muốn biết khi làm hồ sơ hoàn công cần chuẩn bị những hạng mục gì thì hãy liên hệ tới cơ quan chức năng tại địa phương. Lý do là bởi mỗi một địa phương sẽ lại có những chính sách xây dựng khác nhau từ đó đòi hỏi một số mẫu giấy tờ đặc thù riêng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ hoàn công sẽ bắt buộc phải có những loại giấy tờ sau:
- Giấy phép về việc xây dựng công trình.
- Bản vẽ thiết kế xây dựng công trình chính thức đã có đóng dấu nghiệm thu.
- Bản vẽ hoàn công sẽ được sử dụng nếu như công trình thực tế sau khi hoàn thành có sự sai lệch so với thiết kế ban đầu.
- Hợp đồng tiến hành thi công công trình đã được chứng thực của cơ quan chức năng.
- Các mẫu giấy tờ thẩm định công trình đảm bảo đạt chuẩn kỹ thuật.

Một số câu hỏi thường gặp khi hoàn thiện bản vẽ hoàn công
Bên cạnh những thông tin có liên quan đến hồ sơ hoàn công kể trên. Trong quá trình thực hiện bản vẽ, bạn sẽ có thêm nhiều câu hỏi khác nữa cần giải đáp. Trong đó, phổ biến nhất là 2 câu hỏi sau:
Địa điểm nộp hồ sơ hoàn công?
Sẽ có 2 trường hợp khác nhau đối với địa điểm nộp hồ sơ hoàn công. Cụ thể:
- Đối với các công trình nhà ở riêng lẻ thì chủ nhà sẽ phải nộp hồ sơ hoàn công trực tiếp tại UBND quận / huyện / thị xã nơi mình đang sinh sống.
- Đối với các công trình được xây dựng trong khu đô thị mới thì chủ nhà liên hệ với ban quản lý đầu tư xây dựng của khu đô thị đó để tiến hành nộp hồ sơ.
Làm bản vẽ hoàn công có phải nộp lệ phí không?
Việc làm bản vẽ hoàn công có cần nộp lệ phí không cũng là điều được nhiều người quan tâm. Chi phí này sẽ rơi vào khoảng 15-30 triệu bao gồm phí lập bản vẽ và lệ phí trước bạ.

Có thể thấy bản vẽ hoàn công có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các công trình xây dựng. Chính vì thế, bạn hãy chú ý để thực hiện theo đúng quy định nhé. Hy vọng rằng những thông tin mà VINA Land đã chia sẻ có thể giúp ích cho bạn.
Xem thêm: