Xác định hướng được xem là một trong những kỹ năng cần thiết, quan trọng trong cuộc sống. Thông qua đó, bạn có thể ứng dụng kỹ năng này để xác định vị trí, xem hướng nhà,… Trên thực tế, có rất nhiều cách để xác định hướng đông tây nam bắc. Tuy nhiên, sẽ có cách dễ áp dụng và khó áp dụng. Hãy theo dõi bài viết sau đây của Vinaland để biết được top 5 cách xác định hướng đông tây nam bắc một cách dễ dàng, chính xác.
I. Thế nào là xác định phương hướng?
Để xác định được phương hướng một cách chính xác đòi hỏi bạn phải nắm được các vấn đề cơ bản như sau:
- 4 hướng chính bao gồm: Đông, Tây, Nam và Bắc. Tên tiếng Anh lần lượt của các hướng là: West (W), North (N), East (E), South (S)
- Từ 4 hướng chính, có thể xác định được 4 hướng phụ gồm: Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Nam.
- Các hướng chi tiết bao gồm: Bắc Tây Bắc, Đông Đông Bắc, Bắc Đông Bắc, Đông Đông Nam, Nam Đông Nam, Nam Tây Nam, Tây Tây Nam, Tây Tây Bắc.
Theo đó, việc xác định hướng chính là quan trọng nhất. Bởi việc xác định được hướng chính chính là điều kiện tiên quyết để xác định được các hướng phụ, hướng chi tiết còn lại.
II. Top 5 cách xác định hướng Đông Tây Nam Bắc chính xác nhất
Trong thời đại công nghệ hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các ứng dụng hỗ trợ việc xác định phương hướng. Tuy nhiên, trong một vài tình huống điều kiện không cho phép bạn sử dụng điện thoại (như bị lạc vào rừng, sa mạc,…) mà chỉ có thể dựa vào kỹ năng để xác định phương hướng.
Dưới đây chính là top 5 giúp bạn xác định phương hướng nhanh chóng, độ chính xác cao:
1. Cách sử dụng la bàn để xác định phương hướng
Từ lâu, việc dùng la bàn để xác định phương hướng được xem là một trong những cách phổ biến và có độ chính xác cao. Hơn nữa, đây cũng là phương pháp có cách thực hiện đơn giản khi bạn chỉ cần cầm la bàn và quan sát kim chỉ là đã có thể xác định hướng Đông Tây Nam Bắc.
Tuy nhiên, để kết quả không bị tác động bởi những yếu tố xung quanh và cho ra kết quả chính xác nhất, bạn cần chú ý:
- Tuyệt đối không nắm kim loại hay đặt la bàn gần kim loại khi đọc kết quả.
- Nên tránh đặt la bàn ở nơi gần lửa, dùng la bàn ở nơi nhiệt độ quá cao. Bởi, kim nam châm sẽ bị giảm từ tính, từ đó làm giảm độ chính xác của kết quả.
- Tốt nhất nên đặt la bàn trên mặt phẳng nằm ngang, tránh để nghiêng hoặc lệch.
Chú ý: hướng Bắc hiển thị trên la bàn không trùng 100% với hướng cực Bắc của trục Trái Đất. Hiện tượng chênh lệch này gọi là độ Từ thiên. Theo đó, tùy vào vị trí đứng cùng thời gian bạn sử dụng la bàn mà độ Từ thiên sẽ khác nhau. Ở nước ta, độ Từ thiên rơi vào khoảng 1 độ – độ từ thiên nhỏ, không đáng kể.
2. Cách xác định phương hướng dựa vào mặt trời
Đây được xem là xác định hướng phổ biến, cổ điển và chuẩn xác nhất. Theo đó, việc con người khám phá ra nguyên tắc mặt trời mọc hướng Đông, lặn hướng Tây đã giúp xác định 2 hướng chính Đông – Tây một cách dễ dàng.
Hơn nữa, vào giữa trưa mặt trời sẽ ở vị trí trên đỉnh đầu và chiếu thẳng đứng xuống mặt đất. Vì thế, để xác định được hướng Nam Bắc, bạn chỉ cần dựa vào hai hướng còn lại. Cụ thể, hướng Bắc sẽ nằm bên trái hướng Tây và hướng Nam sẽ nằm bên phải hướng Tây.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp này là tốn nhiều thời gian; kết quả chỉ chuẩn xác ở một vài khu vực, nhất là tại vùng xích đạo. Chẳng hạn ở Việt nam thì mặt trời chỉ mọc chính Đông và lặn chính Tây vào ngày Xuân phân cùng Thu phân; các ngày còn lại sẽ bị có độ chênh lệch.
3. Xác định hướng bằng cách dựa vào bóng của vật thể
Phương pháp này ra đời dựa vào quy luật mọc và lặn của mặt trời. Cụ thể, khi mặt trời chiếu vào sẽ in bóng của vật thể xuống đất. Từ đây, bạn có thể xác định được hướng Đông Tây Nam Bắc bằng cách nhìn vào hình dáng và hướng nghiêng của bóng.
Thông thường, vật sẽ nghiêng bóng về hướng Tây vào buổi sáng và nghiêng về hướng Đông vào buổi chiều; từ đây bạn có thể suy ra hướng Bắc Nam. Ngoài ra, với phương pháp này bạn cũng có thể sử dụng một cây gậy để xác định hướng vào bất cứ thời điểm nào.
Theo đó, bạn hãy cắm cây gậy xuống đất và đánh dấu điểm đầu của gậy; chờ khoảng 20 phút để đánh dấu điểm mới của bóng rồi nối hai điểm này lại với nhau. Lúc này điểm đầu là chỉ về hướng Tây, điểm còn lại là hướng đông. Sau đó, hãy kẻ đường vuông góc với đoạn vẽ lúc nãy để tìm xác định hướng Bắc Nam.
4. Xác định hướng dựa trên Atlat, bản đồ
Atlat, bản đồ cũng là những vật dụng có ý nghĩa hỗ trợ xác định hướng. Trong bản đồ, hướng Bắc được ký hiệu bằng chữ B, nằm trên một mũi tên chỉ thẳng lên phía trên trang giấy; hướng Nam chỉ xuống dưới; hướng Đông chỉ về bên phải và hướng Tây chỉ về bên trái. Nhưng để cho ra kết quả chính xác, bạn cần đứng cầm bản đồ cũng như xoay ở đúng vị trí.
5. Phương pháp xác định hướng dựa trên một vài kinh nghiệm phổ biến
Những người thường xuyên đi thám hiểm, đi rừng, đi biển,… đã đưa ra nhiều mẹo để xác định hướng rất hay. Dù cho chúng có thể không chính xác 100% nhưng về cơ bản các cách này vẫn cho ra kết quả tương đối chính xác về các hướng Đông Tây Nam Bắc. Một vài phương pháp như sau:
- Xác định dựa vào hoa hướng dương (loài hoa hướng về phía mặt trời mọc): nếu bạn thấy vườn hoa hướng về một phía thì hướng đó là hướng Đông.
- Nếu trong rừng, bạn có thể dựa vào đặc tính sinh trưởng của thực vật để xác định hướng. Chẳng hạn, tại các rừng nhiệt đới vùng xích đạo thì rêu và địa y thường mọc ở phía Tây của thân cây. Trong khi đó, ở vùng ôn đới hoặc cận xích đạo thì rêu và địa y hay có màu sẫm và tươi tốt hơn ở phía Bắc.
- Quan sát các vòng tròn trên thân cây đã bị chặt: Thông thường bên nào các vòng tuổi xếp dày hơn thì là hướng Bắc.
- Xác định hướng dựa vào tổ kiến và tổ ong: Tổ của kiến và ong thường sẽ quay về hướng Nam hoặc hướng Đông Nam. Trong khi đó, phần thành tổ mà đặc biệt phần thành dày sẽ quay về phía Bắc.
- Chim di trú có xu hướng bay về hướng Nam vào mùa đông và bay về hướng Bắc vào mùa hè.
Trên đây, là tổng hợp những cách xác định hướng phổ biến và chính xác nhất mà Vinaland chia sẻ đến bạn. Hy vọng, những kiến thức này đã giúp bạn dễ dàng xác định phương hướng khi không có phương tiện hỗ trợ.