Đăng ký giải chấp quyền sử dụng đất là một trong những thủ tục hành chính được thực hiện tại cơ quan chức năng có thẩm quyền. Do đó, người có nhu cầu đăng ký xóa thế chấp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để được tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng. Vậy thủ tục, quy trình, thời hạn và chi phí đăng ký xóa thế chấp hiện nay được quy định như thế nào? Hãy cùng Vinaland tìm hiểu qua bài viết chi tiết sau.
I. Hồ sơ xóa đăng ký thế chấp sổ đỏ gồm những loại giấy tờ nào?
1. Số lượng hồ sơ
Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu xóa đăng ký thế chấp sổ đỏ cần nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan chức năng có thẩm quyền để được giải quyết.
2. Hồ sơ gồm những giấy tờ gì?
Theo Điều 47 của Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định về hồ sơ xóa đăng ký thế chấp đất đai bao gồm những giấy tờ sau:
- 01 phiếu yêu cầu xóa đăng ký thế chấp đất đai có đầy đủ thông tin và chữ ký của người yêu cầu
- Trường hợp đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp chỉ có chữ ký của bên thế chấp thì cần phải nộp Văn bản đồng ý xóa thế chấp của bên nhận thế chấp gồm 01 bản chính và 01 bản sao kèm theo để đối chiếu
- Trường hợp hồ sơ đăng ký thế chấp có Giấy chứng nhận thì cần nộp bản chính Giấy chứng nhận
- Trường hợp người yêu cầu đăng ký xóa thế chấp là người được ủy quyền thì cần có 01 bản gốc Giấy ủy quyền hợp pháp, có thể nộp 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không chứng thực kèm theo bản chính để đối chiếu
Lưu ý: Trường hợp người yêu cầu nộp đơn xóa đăng ký thế chấp khi cơ quan chức năng đã kê biên, xử lý xong tài sản thế chấp thì cần nộp 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- 01 phiếu yêu cầu xóa đăng ký thế chấp đất đai
- Bản chính Giấy chứng nhận đối với hồ sơ đăng ký thế chấp có Giấy chứng nhận
- 01 bản chính Văn bản xác nhận kết quả xử lý tài sản thế chấp của cơ quan có thẩm quyền
- 01 bản chính Giấy ủy quyền khi người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp là người được ủy quyền thực hiện
II. Trình tự giải quyết yêu cầu xóa đăng ký thế chấp đất đai
Bước 1: Nộp đầy đủ hồ sơ, đơn đăng ký xóa thế chấp
Bước 2: Cơ quan nhà nước tiếp nhận hồ sơ đăng ký
Người yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký hợp lệ sẽ được cán bộ tiếp nhận cấp lại Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn thời gian trả kết quả, sau đó vào Sổ tiếp nhận và trả kết quả đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
Bước 3: Kiểm tra hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ người yêu cầu, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra và tiến hành giải quyết yêu cầu xóa đăng ký thế chấp theo quy định.
Bước 4: Giải quyết hồ sơ theo quy định hiện hành
Nếu hồ sơ yêu cầu thuộc một trong các trường hợp có căn cứ từ chối đăng ký theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 và Khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, thì Văn phòng đăng ký đất đai từ chối rõ ràng bằng văn bản, sau đó chuyển giao hồ sơ đăng ký cùng văn bản từ chối cho Bộ phận tiếp nhận hồ sơ để trả lại hồ sơ cho người yêu cầu, đồng thời hướng dẫn thực hiện lại theo đúng quy định pháp luật.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, đảm bảo đủ điều kiện giải quyết thì trong thời gian quy định, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện các công việc sau:
- Ghi rõ nội dung xóa đăng ký thế chấp, thời điểm nộp yêu cầu đăng ký vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận theo quy định hiện hành
- Sau đó, ghi nội dung đăng ký và thời điểm đăng ký tại phần “Chứng nhận của cơ quan đăng ký” trên đơn yêu cầu đăng ký
Bước 5: Trả kết quả đăng ký xóa thế chấp
Văn phòng đăng ký đất đai sau khi giải quyết xong sẽ trả lại cho người yêu cầu 01 bản chính các loại giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu xóa đăng ký thế chấp có dấu xác thực của Văn phòng đăng ký đất đai
- Phiếu yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp có dấu chứng nhận của cơ quan chức năng
- Giấy chứng nhận đăng ký có đầy đủ nội dung đăng ký thế chấp, thay đổi, xóa đăng ký hoặc sửa chữa nếu có sai sót
- Văn bản thông báo chỉnh lý hoặc đính chính thông tin nếu xảy ra sai sót về nội dung đăng ký
Sau khi có kết quả đăng ký xóa thế chấp, người yêu cầu đến nhận trực tiếp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa.
III. Cơ quan nào có thẩm quyền xóa đăng ký thế chấp?
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ: Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh, huyện hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoạt động theo cơ chế một cửa.
Cơ quan có thẩm quyền xóa đăng ký thế chấp: Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
IV. Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký giải chấp là bao lâu?
Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh hoặc cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ. Trường hợp người yêu cầu nộp hồ sơ sau 15 giờ thì cơ quan sẽ giải quyết và trả kết quả trong ngày làm việc kế tiếp. Nếu phải kéo dài thời gian thực hiện thì cũng trong thời hạn tối đa 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ từ người yêu cầu.
V. Mức lệ phí xóa đăng ký thế chấp
Tại Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC về mức thu phí, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực giao dịch đảm bảo do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có quy định về mức lệ phí xóa đăng ký thế chấp đất đai là 20.000 đồng/ 1 hồ sơ.
Bài viết trên đây, VinaLand đã tổng hợp những thông tin về thủ tục và quy trình đăng ký xóa thế chấp sổ đỏ cập nhật mới nhất năm 2022. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về đăng ký xóa thế chấp hoặc các vấn đề liên quan, hãy liên hệ với Vinaland qua hotline 0907 13 82 83 – 0898 13 63 33 hoặc truy cập website vinaland.co để được hỗ trợ nhanh nhất.