Hợp đồng là gì? Các loại hợp đồng thông dụng năm 2023

Hợp đồng là sự thống nhất giữa các bên liên quan với nhau, nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ đã được thỏa thuận rõ ràng về một vấn đề trong khuôn khổ pháp luật quy định. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hợp đồng và có gì khác nhau giữa các loại hợp đồng? Hãy cùng Vinaland tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

I. Hợp đồng là gì?

Hợp đồng được hiểu là sự thỏa thuận của các chủ thể tham gia về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự, các điều khoản,… Hợp đồng được lập ra bằng nhiều hình thức khác nhau: văn bản, lời nói, hành vi cụ thể (trừ một số lĩnh vực pháp luật quy định cụ thể).

II. Đặc điểm cơ bản của hợp đồng

Hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận của các bên tham gia
Hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận của các bên tham gia

– Hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên với nhau, thể hiện ý chí và sự thỏa thuận thể hiện ý chí, dựa trên sự thống nhất và hoàn toàn tự nguyện.

– Mục đích của hợp đồng là sự xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.

– Nội dung thỏa thuận của hợp đồng là các quyền và nghĩa vụ mà các bên tham gia đã thống nhất và cam kết cùng thực hiện.

– Hợp đồng đã được ký kết phải đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, không vi phạm đạo đức và các chuẩn mực xã hội, là văn bản hợp pháp và có giá trị pháp lý.

III. Một số hợp đồng thông dụng được sử dụng nhiều hiện nay

1. Hợp đồng mua bán tài sản

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng mua bán tài sản là sự thống nhất giữa bên bán và bên mua, trong đó bên bán sẽ chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua sẽ trả tiền cho bên bán.

Hợp đồng mua bán tài sản là loại hợp đồng song vụ, cả hai bên tham gia hợp đồng đều có quyền và nghĩa vụ đối nhau. Đây là phương tiện pháp lý tạo điều kiện cho cá nhân hoặc tổ chức thực hiện trao đổi hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Các bên tham gia có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ như đã thỏa thuận trên hợp đồng
Các bên tham gia có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ như đã thỏa thuận trên hợp đồng

2. Hợp đồng trao đổi tài sản

Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó các chủ thể tham gia hợp đồng sẽ thực hiện bàn giao tài sản và chuyển đổi quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau (theo Khoản 1 Điều 455 Bộ luật Dân sự 2015).

Nếu tài sản trao đổi có sự chênh lệch về giá trị thì các bên phải thực hiện thanh toán đền bù phần chênh lệch cho nhau, trừ trường hợp các bên có sự thống nhất và thỏa thuận riêng hoặc theo quy định khác của pháp luật.

3. Hợp đồng tặng cho tài sản

Là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho sẽ chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản của mình cho bên được tặng cho mà không có các yêu cầu đền bù khác, bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản đó (Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015).

4. Hợp đồng vay tài sản

Theo Điều 463 của Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó bên cho vay sẽ giao tài sản cho bên vay. Khi đến thời hạn trả, bên vay phải hoàn trả lại tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và kèm theo khoản trả lãi nếu có theo thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

5. Hợp đồng thuê tài sản

Quy định tại Khoản 1 Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho thuê chuyển quyền sử dụng tài sản cho bên thuê trong một thời hạn nhất định, khi đó bên thuê phải trả tiền thuê.

Hợp đồng thuê khoán tài sản quy định bên cho thuê sẽ chuyển quyền sử dụng tài sản cho bên thuê khoán nhằm mục đích khai thác sử dụng, hưởng lợi từ hoa lợi, thu lợi tức từ tài sản thuê khoán, sau đó bên thuê khoán sẽ có nghĩa vụ trả tiền thuê. (Quy định tại Điều 483 của Bộ luật Dân sự 2015).

Bên thuê hoặc mượn tài sản chịu trách nhiệm bảo quản tài sản thuê hoặc mượn
Bên thuê hoặc mượn tài sản chịu trách nhiệm bảo quản tài sản thuê hoặc mượn

6. Hợp đồng mượn tài sản

Đây là hợp đồng thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn chuyển quyền sử dụng tài sản cho bên mượn được phép dùng trong một thời hạn nhất định mà không phải trả bất kỳ chi phí nào khác. Bên mượn có nghĩa vụ phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc đã đạt được mục đích mượn theo cam kết của hợp đồng (Quy định tại Điều 494 Bộ luật Dân sự 2015).

7. Hợp đồng về quyền sử dụng đất

Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thống nhất giữa các bên, trong đó người sử dụng đất thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc các quyền khác cho bên còn lại theo quy định của Luật đất đai, bên còn lại sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất (Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015).

8. Hợp đồng hợp tác

Hợp đồng hợp tác sử dụng nhiều trong kinh doanh, góp vốn, đầu tư
Hợp đồng hợp tác sử dụng nhiều trong kinh doanh, góp vốn, đầu tư

Hợp đồng hợp tác là cam kết giữa nhiều bên tham gia, trong đó các cá nhân, pháp nhân thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ đóng góp tài sản, công sức nhằm mục đích thực hiện công việc nhất định hoặc để sản xuất, kinh doanh, cùng hưởng lợi ích cũng như chịu trách nhiệm liên quan (Quy định tại Điều 504 của Bộ luật Dân sự 2015).

9. Hợp đồng dịch vụ

Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ thể hiện sự thống nhất giữa các bên, trong đó bên cung ứng dịch vụ sẽ thực hiện công việc hoặc dịch vụ nào đó cho bên sử dụng dịch vụ, ngược lại bên sử dụng có nghĩa vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng.

Khi thực hiện công việc dịch vụ, bên thuê dịch vụ phải đưa ra các yêu cầu cụ thể về chất lượng, kỹ thuật, các thông số,…để các bên có cơ sở thỏa thuận các điều kiện trong hợp đồng.

10. Hợp đồng vận chuyển

Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa đơn vị vận chuyển và khách hàng, theo đó bên vận chuyển thực hiện chở hành khách, hành lý,… đến địa điểm theo như trong hợp đồng, khách hàng có trách nhiệm thanh toán cước phí vận chuyển theo quy định (Theo Điều 522 của Bộ luật Dân sự 2015).

Hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chịu trách nhiệm vận chuyển tài sản đến địa điểm và bàn giao lại tài sản cho người có quyền nhận theo như thỏa thuận, khi đó bên thuê sẽ có nghĩa vụ thanh toán cước phí vận chuyển (Quy định tại Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015).

11. Hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó bên nhận gia công sẽ thực hiện các công việc theo yêu cầu của bên đặt gia công để tạo ra sản phẩm, bên đặt gia công khi nhận sản phẩm và có trách nhiệm thanh toán khoản chi phí gia công (Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015).

Mẫu sản phẩm gia công có thể là một loại hàng hóa, đồ vật,… do bên thuê gia công chỉ định hoặc do bên gia công đưa ra và được bên thuê chấp nhận. Mẫu mà các bên thỏa thuận không được là sản phẩm trái pháp luật và đạo đức xã hội.

12. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Đây là hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên giữ nhận tài sản chịu trách nhiệm bảo quản và trả lại chính xác tài sản đó cho bên gửi sau khi hết thời hạn hợp đồng. Bên giữ nhận tài sản sẽ nhận được tiền công của bên gửi, trừ các trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công theo thỏa thuận hợp đồng (Theo quy định của Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015).

13. Hợp đồng ủy quyền

Người được ủy quyền sẽ thay mặt người ủy quyền thực hiện một số công việc nhất định theo thỏa thuận
Người được ủy quyền sẽ thay mặt người ủy quyền thực hiện một số công việc nhất định theo thỏa thuận

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên mà bên được ủy quyền có nghĩa vụ phải thực hiện các công việc nhân danh bên ủy quyền. Bên ủy quyền sẽ thanh toán thù lao nếu có thỏa thuận khác trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật (Theo Điều 562 của Bộ luật Dân sự 2015).

Trên đây là toàn bộ bài viết về các loại hợp đồng thông dụng, được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Vinaland hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại hợp đồng và sử dụng đúng mục đích khi cần thiết. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc khác về vấn đề hợp đồng, hãy truy cập vào website vinaland.co hoặc liên hệ trực tiếp qua số hotline 0907 13 82 83 – 0898 13 63 33 để được tư vấn và hỗ trợ.