Hiện nay, đất đai được coi là một loại tài sản rất có giá trị, được các cá nhân, tổ chức coi trọng. Do đó, bạn cần hiểu được khái niệm đất đai theo Luật Đất Đai 2013 và cách phân loại đất để định giá và nắm được những loại thuế cần nộp trong quá trình sử dụng. Vậy đất đai theo pháp luật hiện hành là gì? Hãy cùng Vinaland tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
I. Đất đai là gì? Có mấy nhóm đất đai?
Khái niệm đất đai được quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2014/TT-BTNMT, theo đó:
“Đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội như: thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của con người.”
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 quy định về các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai như:
- Chế độ sở hữu về đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước
- Nhóm đất chưa sử dụng
II. Những căn cứ pháp lý để xác định loại đất?
Căn cứ xác định loại đất được quy định trong Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ – CP
Việc xác định loại đất dựa theo các căn cứ sau đây theo Điều 11 Luật Đất đai 2013:
“1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;”
– Đối với trường hợp không có giấy tờ nêu trên thì việc xác định loại đất được quy định tại Điều 3 Nghị định 43/2014/NĐ – CP:
“1. Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng.
- Trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì căn cứ vào nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất để xác định loại đất.
- Trường hợp thửa đất đang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (không phải là đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất) thì việc xác định loại đất được thực hiện theo quy định sau đây:
- Trường hợp xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích sử dụng thì tách thửa đất theo từng mục đích và xác định mục đích theo hiện trạng sử dụng của từng thửa đất đó;
- Trường hợp không xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì mục đích sử dụng đất chính được xác định theo loại đất hiện trạng có mức giá cao nhất trong bảng giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định; trường hợp sử dụng đất sau khi có quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để xác định mục đích chính.”
III. Nguyên tắc cơ bản của Luật đất đai và phương pháp quản lý đất đai
1. Các nguyên tắc cơ bản của Luật đất đai
1.1. Nguyên tắc nhân dân sở hữu đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu
Ở Việt Nam, chủ sở hữu và chủ sử dụng trong quan hệ đất đai được tách riêng. Trong đó Nhà nước có tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai với người sử dụng vốn đất của Nhà nước.
Đất đai ở Việt Nam là tài nguyên quốc gia, là một hàng hoá đặc biệt, được lưu chuyển trong khuôn khổ các quy định của pháp luật. Dựa trên cơ sở đó, Nhà nước chủ trương xác định giá đất làm cơ sở cho việc lưu chuyển quyền sử dụng đất trong đời sống xã hội. Nguyên tắc này phù hợp với xu hướng tập trung đất đai vào tay người sản xuất, góp phần phân công lại lao động xã hội.
1.2. Nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất đất đai
Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 và Chương 2 của Luật đất đai năm 2013: chức năng của Nhà nước XHCN là chủ thể quản lý mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có đất đai.
Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai, là chủ thể xây dựng chiến lược, quy hoạch sử dụng đất và phê duyệt các chương trình trọng điểm về sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên.
1.3. Nguyên tắc bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp của Nhà nước
Việt Nam là một nước đang phát triển với hơn 70% dân số còn tập trung ở khu vực nông thôn. Do vậy, đất đai là điều kiện sống quan trọng của một phần lớn dân cư. Tuy nhiên, nước ta có bình quân đầu người về đất nông nghiệp thuộc loại thấp với 1000m/người (so với thế giới là 4000m/người).
Vì thế, để bảo đảm an ninh quốc gia, đáp ứng nhu cầu về lương thực cho xã hội thì vấn đề bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, các quy định của pháp luật đất đai và chính sách về nông nghiệp luôn dành sự ưu tiên đối với việc phát triển nông nghiệp.
1.4. Nguyên tắc sử dụng đất đai tiết kiệm và hợp lý
Tuy vốn đất ở Việt Nam không lớn, nhưng trong cơ cấu sử dụng đất hiện nay thì tỷ lệ đất chưa sử dụng chiếm tới 30% diện tích tự nhiên. Từ đó có thể thấy, chúng ta còn rất lãng phí trong việc khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai. Do vậy, với quá trình phát triển của đất nước, công tác quy hoạch đất cần đi trước để tạo cơ sở khoa học cho việc sử dụng đất một cách hợp lý và tiết kiệm.
1.5. Nguyên tắc thường xuyên cải tạo đất đai
Đất đai có đời sống sinh học. Nếu con người vừa khai thác, vừa cải tạo thì đất đai luôn mang lại sản phẩm lao động có giá trị cho con người. Ngược lại, nếu con người bạc đãi thiên nhiên thì những tác động xấu sẽ đem đến nhiều hệ quả tiêu cực. Vì vậy, chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên đất vì mục tiêu trước mắt và lợi ích lâu dài.
2. Quản lý đất đai
Quản lý đất đai là quá trình sử dụng, phát triển quỹ đất, khai thác lợi nhuận thu được từ đất (thông qua thuế, cho thuê, bán) và giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai phải được đảm bảo theo pháp luật.
Đối tượng quản lý đất đai là 2 đối tượng đất công và đất tư, bao gồm các công việc: đăng ký đất đai, định giá đất đai, đo đạc đất đai, giám sát sử dụng, lưu giữ và cập nhật các thông tin đất đai, cung cấp các thông tin đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai,…. Điều 6 Luật đất đai 2013 quy định cụ thể như sau:
“Điều 6. Quản lý nhà nước về đất đai
- Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai.
- Nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm:
- a) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các văn bản đó;
- b) Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính;
- c) Khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất; lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất;
- d) Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
đ) Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
- e) Đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- g) Thống kê, kiểm kê đất đai;
- h) Quản lý tài chính về đất đai;
- i) Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản;
- k) Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
- l) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
- m) Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai;
- n) Quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai.
- Nhà nước có chính sách đầu tư cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại, đủ năng lực, bảo đảm quản lý đất đai có hiệu lực và hiệu quả.”
Trong nhiều năm qua, trên cơ sở xây dựng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới việc quản lý thống nhất vốn đất quốc gia từ trung ương cho tới địa phương.
Vấn đề quản lý không đơn thuần chỉ là xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý đất đai mà cần phải nêu được các nội dung quản lý và quy định chặt chẽ về mặt pháp lý. Do vậy, quản lý đất đai có hai mặt là hệ thống cơ quan quản lý đất đai và chế độ quản lý nhà nước về đất đai.
Hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước có vai trò vô cùng to lớn trong việc quản lý mọi mặt của đất nước. Luật đất đai năm 2013 đã xác định rõ thẩm quyền của Quốc hội, UBTV Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai.
Bài viết trên đây của Vinaland đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về khái niệm đất đai và những căn cứ pháp lý khác trong Luật đất đai 2013. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào thì hãy liên hệ với Vinaland qua Hotline 0898 13 63 33 / 0907 13 82 83 hoặc Website https://vinaland.co/ để được giải đáp tận tâm.