Theo phong tục truyền thống, vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình Việt sẽ làm mâm cỗ tiễn Táo Quân về trời để báo cáo mọi việc trong năm của gia chủ. Mâm cúng ông Táo tuy đơn giản vẫn cần phải trang trọng và chu đáo để thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ. Bài viết dưới đây của Vinaland sẽ hướng dẫn bạn chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đơn giản, đầy đủ nhất để bạn tham khảo.

I. Tổng quan về mâm cúng Táo Quân
1. Thời gian thích hợp để cúng Táo Quân
Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng cần phải được thực hiện trước khi ông Công, ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng (tức trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp). Do vậy, tùy điều kiện thời gian của gia đình, bạn có thể cúng Táo Quân vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.
2. Công đoạn cúng ông Công, ông Táo cơ bản
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, bạn đợi hương tàn rồi thắp thêm một tuần hương nữa, sau đó lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, suối, sông,… để cá chở ông Táo lên chầu Trời.
II. Gợi ý 4 mâm cúng ông Công, ông Táo phổ biến nhất
1. Mâm cúng ông Công, ông Táo miền Nam đặc trưng

Nhìn chung, một mâm cúng Táo quân đơn giản và phổ biến nhất ở miền Nam bao gồm các món như:
- Gà luộc hoặc gà quay
- Thịt heo luộc
- Đĩa rau xào
- Giò heo
- Xôi gấc
- Củ kiệu, củ cải muối
- Canh mọc
- Trái cây tươi
- Trầu cau
- Trà, rượu
Bên cạnh đó, mâm cúng ông Táo điển hình của người miền Nam còn có kẹo thèo lèo (kẹo vừng đen), đậu phộng và một bộ “cò bay, ngựa chạy”. Ngoài ra, người dân miền Nam còn thêm món chè xôi hoặc mâm trái cây đơn giản để làm thành một lễ cúng ông Táo.
2. Mâm cúng ông Công, ông Táo miền Bắc đặc trưng

Một mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo đơn giản của miền Bắc thường có:
- 1 con gà luộc ngậm hoa hồng hoặc ớt tỉa hoa
- 1 đĩa chân giò hoặc thịt lợn luộc
- 1 đĩa giò lợn
- 1 cái bánh chưng hoặc xôi vò
- 1 đĩa rau xào thập cẩm
- 1 bát canh măng hầm cùng chân giò
- 1 đĩa chè (chè đậu kho, chè trôi nước, chè bà cốt)
- 1 lọ hoa cúc kim cương
- 1 quả cau, lá trầu
- 1 đĩa hoa quả (gồm 3 – 5 loại quả)
- 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
- 1 bình trà sen
- 1 chai rượu nếp
- 1 lọ hoa đào
Hiện nay, với lối sống hiện đại, nhiều gia đình đã giản lược hoặc thay đổi một số món ăn trên mâm cúng ông Công, ông Táo để tiết kiệm thời gian chuẩn bị và phù hợp hơn với khẩu vị. Nhưng những món ăn truyền thống như gà luộc, bánh chưng, nem rán,… vẫn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo nói riêng và mâm cỗ ngày Tết nói chung.
3. Mâm cúng ông Công, ông Táo miền Trung đặc trưng

Mâm cúng ông Công, ông Táo miền Trung có sự pha trộn giữa hai miền Bắc – Nam bởi nó vừa có những nét giống với mâm cúng của người miền Bắc với những món như cơm, gà luộc, thịt luộc, canh, nem rán (ram),… lại vừa có món xôi chè của mâm cúng miền Nam.
Điểm khác biệt lớn nhất tạo nên nét đặc trưng của mâm cúng ông Công, ông Táo ở miền Trung đó là người miền Trung không cúng áo, mũ, vàng mã và làm lễ thả cá chép như miền Bắc hay làm bộ “cò bay, ngựa chạy” như người miền Nam mà họ sẽ làm một con ngựa bằng giấy, có yên cương và đốt vàng mã đầy đủ để dâng lên các vị thần linh.
4. Mâm cúng ông Công, ông Táo chay cơ bản

Bên cạnh những mâm cỗ mặn truyền thống, nhiều gia đình chọn làm mâm cúng ông táo chay để tránh sát sinh động vật, tiêu trừ nghiệp chướng. Bên cạnh đó, ăn chay cũng là cách để tâm thanh tịnh và hướng bản thân đến giá trị nguyên bản của cuộc sống.
Một mâm cúng ông Công, ông Táo chay thường có:
- Nấm đùi gà sốt bơ
- Sườn xào chua ngọt giả chay
- Xôi gấc
- Canh nấm chay
- Giò chay, nem chay
- Chè
- Trái cây, hoa quả
- Trầu cau
- Rượu, trà
- Giấy vàng, giấy bạc, giấy tiền
III. Những chú ý cần thiết khi cúng ông Công, ông Táo
Bên cạnh việc chuẩn bị mâm cúng ông Công, ông Táo chỉnh chu, các gia đình cũng nên lưu ý một số điều kiêng kỵ dưới đây khi cúng ông Công, ông Táo để có một buổi lễ trang trọng, đầy đủ các nghi thức:
- Trước khi đọc văn khấn, bạn cần tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ kín đáo, nghiêm túc và lịch sự để thể hiện sự tôn kính của gia chủ đối với các vị quan thần.
- Đọc văn khấn rõ ràng với thái độ nghiêm túc, thành tâm
- Không nên cầu xin tiền tài mà chỉ nên xin ông Táo báo cáo những việc tốt đẹp trong năm
- Không nên cúng ông Công, ông Táo sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp
- Khi thả cá chép, không thả cá từ trên cao xuống
- Không nên đặt mâm lễ cúng Táo Quân dưới bếp
- Bên cạnh việc chuẩn bị mâm cơm cúng thì các lễ vật cúng như rượu, trà, trái cây,… cũng cần được chuẩn bị đầy đủ
Trên đây là những gợi ý về mâm cúng ông táo đơn giản mà Vinaland tổng hợp và cung cấp cho bạn tham khảo. Bạn hãy nhanh tay lưu lại để có thể chuẩn bị một lễ cúng trọn vẹn, tươm tất và đón một năm mới hạnh phúc và bình an!