Nhà đất là tài sản có giá trị lớn nên cần phải cẩn thận trong quá trình giao dịch mua bán – tránh để xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn như mất tiền hoặc vi phạm pháp luật. Bài viết dưới đây của Vinaland sẽ cung cấp tới bạn những thông tin chi tiết về quy trình mua bán nhà đất theo đúng quy định pháp luật hiện hành và những lưu ý quan trọng mà bạn nên biết.
I. Những lưu ý quan trọng trước khi giao dịch mua bán nhà đất
1. Xác minh thông tin về tranh chấp nhà đất
Bạn không nên mua những nhà đất đang vướng vào tranh chấp hoặc kiện tụng pháp lý. Để xác thực thông tin này, bạn có thể tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, báo mạng điện tử, truyền hình hoặc cơ sở dữ liệu lưu ở văn phòng công chứng.
Tuy nhiên, những vụ việc tranh chấp nhỏ về vấn đề hàng rào, đường đi, hệ thống thoát nước,… thường không được cập nhật lên các trang tin tức hoặc báo chí cơ quan nhà nước. Vì vậy, trong trường hợp này, bạn nên dành thời gian tới tận nơi thăm dò những người dân xung quanh hoặc làm việc với UBND phường xã.
2. Kiểm định thông tin vay nợ thế chấp nhà đất
Mặc dù giao dịch mua bán nhà đất đang thế chấp là hợp pháp nhưng kiểu nhà này sẽ tồn tại nhiều rủi ro. Vì vậy, để tránh những điều ngoài ý muốn, bạn nên bỏ qua những căn nhà vay nợ thế chấp ngân hàng.
Để xác định ngôi nhà có đang bị thế chấp hay không, bạn hãy mở bìa 3 hoặc bìa 4 của sổ đỏ. Bên cạnh đó, một số ngôi nhà thế chấp có đính kèm tờ giấy riêng ghi kèm thông tin thế chấp, có dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai.
Ngoài ra, bạn có thể tra cứu thông tin này thông qua bản photo sổ đỏ tại các văn phòng công chứng. Tuy nhiên, nếu ngôi nhà bị thế chấp cho các cá nhân hoặc tổ chức không chính thức, không thuộc Nhà nước thì thông tin sẽ không được lưu trữ tại các văn phòng công chứng.
3. Tra cứu thông tin cá nhân của người bán
Để đảm bảo an toàn trong quá trình giao dịch mua bán nhà đất, bạn nên tìm hiểu về thông tin cá nhân của người bán. Điều này giúp đánh giá độ tin cậy, tránh hành vi lừa đảo diễn ra.
Để tra cứu thông tin, bạn có thể tìm hiểu trên mạng xã hội hoặc thông qua người giới thiệu. Bên cạnh đó, trong quá trình trao đổi trực tiếp, bạn hãy đánh giá về thái độ và tác phong làm việc của họ để có đánh giá khách quan hơn.
Nếu chọn mua nhà thuộc các dự án bất động sản, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin của chủ đầu tư thông qua số năm hoạt động, các dự án đã triển khai, chất lượng công trình, tính pháp lý,… Đây đều là những yếu tố quyết định tới sự an toàn trong giao dịch và chất lượng cuộc sống sau này.
II. Quy trình mua bán nhà đất của cá nhân mới nhất hiện nay
1. Đặt cọc
Đây là bước quan trọng, giúp cả người mua lẫn người bán đảm bảo quyền lợi, tránh tình trạng hủy giao dịch, ảnh hưởng đến cả hai bên.
Số tiền đặt cọc sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận đôi bên, thường là 2 – 3% giá trị nhà đất. Thời gian đặt cọc trong khoảng 5 – 7 ngày, có thể lên tới 30 ngày hoặc do hai bên tự đề xuất.
Lưu ý: trong biên bản đặt cọc cần ghi đầy đủ thông tin pháp lý của 2 bên tham gia, mô tả giao dịch, giá trị tiền thỏa thuận, thời gian đặt cọc,… Để đảm bảo tính minh bạch về mặt pháp lý, khi đặt cọc có thể mời thêm người làm chứng hoặc ghi hình quá trình ký kết để làm bằng chứng.
2. Tiến hành thanh toán tiền còn lại và ký hợp đồng mua bán công chứng
Bên mua cần phải thanh toán nốt số tiền còn lại cho bên bán sau khi ký và công chứng hợp đồng. Sau đó, bên bán sẽ bàn giao toàn bộ giấy tờ pháp lý liên quan đến việc mua bán theo yêu cầu của văn phòng công chứng cho bên mua.
Một số giấy tờ quan trọng mà bên mua cần phải chuẩn bị trước đó là:
- Bản gốc chứng minh nhân dân.
- 4 tờ chứng minh thư nhân dân photo có công chứng.
- Bản gốc hộ khẩu thường trú.
- 4 bản photo công chứng của hộ khẩu thường trú.
3. Nộp hồ sơ chuyển nhượng sổ đỏ
Trong quá trình mua bán nhà đất, bên mua và bên bán đều phải nộp hồ sơ giao dịch tại văn phòng của một cấp chính quyền Nhà nước thuộc quận, huyện. Trong bộ hồ sơ này bao gồm:
- 2 bản sổ hộ khẩu.
- Chứng minh nhân dân.
- Bản gốc giấy đăng ký kết hôn hoặc Giấy chứng nhận độc thân.
- 2 bản hợp đồng đã công chứng và có chữ ký của hai bên mua bán.
- Sổ đỏ gốc.
4. Thực hiện nghĩa vụ đóng các loại phí và thuế trước bạ
Bên chịu trách nhiệm đóng các loại phí và thuế trước bạ sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của người mua và người bán. Hồ sơ và toàn bộ chi phí được tính theo quy định của nhà nước tại UBND cấp quận hoặc huyện như sau:
- Bên mua: pháp luật quy định đóng thuế thu nhập cá nhân 2% giá trị hợp đồng.
- Bên bán: đóng phí trước bạ 0.5% giá trị hợp đồng.
- Lệ phí địa chính: 15.000 VNĐ/trường hợp.
- Lệ phí thẩm định hồ sơ: được tính bằng 0.15% giá trị sang tên chuyển nhượng, tối thiểu 100.000 VNĐ và tối đa 5.000.000 VNĐ/trường hợp.
- Lệ phí để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 0.15% giá trị hợp đồng.
5. Chờ đợi thẩm định từ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
Sau khi nhận được hồ sơ giao dịch nhà đất, cơ quan thẩm định sẽ tiến hành kiểm tra và xác nhận lại thông tin về căn nhà, thửa đất mà hai bên đã nộp lên. Đây là bước quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sang tên sổ đỏ trong quy trình mua bán nhà đất.
Khi đã xác nhận hồ sơ hoàn tất, cơ quan công quyền sẽ gửi thông báo thuế để bên mua chủ động thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật hiện hành..
6. Đăng ký ra sổ đỏ mới
Sau khi nộp thuế đầy đủ, người mua sẽ đến UBND quận, huyện để nộp toàn bộ hồ sơ nhà đất, hợp đồng mua bán và biên lai trước bạ. Sở địa chính nhà đất sẽ nhận và đăng ký sự thay đổi chủ sở hữu của nhà đất này.
Bên cạnh đó, những giấy tờ nhà đất được đăng ký lại thông tin chủ sở hữu sẽ được cấp lại trong khoảng 30 – 45 ngày tính từ thời điểm nhận đăng ký thay đổi.
7. Nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp
Sở địa chính nhà đất sẽ thông báo hoàn tất thủ tục thay đổi chủ sở hữu nhà đất và người mua được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
Bài viết trên của Vinaland đã cung cấp tới bạn thông tin chi tiết về quy trình mua bán nhà đất. Hy vọng nội dung này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình mua bán và chuyển nhượng nhà đất, qua đó tránh được những rủi ro mất tiền hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình giao dịch.