Trong lĩnh vực nhà đất, sổ mục kê đất đai là căn cứ rất quan trọng trong việc quản lý đất đai. Loại sổ này được sử dụng phổ biến nhất trong giai đoạn 1980-1990. Bài viết sau đây của Vinaland sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về sổ mục kê đất đai là gì và những vấn đề liên quan đến sổ mục kê đất đai này.
I. Sổ mục kê đất đai là gì?
Trước ngày 18/12/1980, các địa phương trên cả nước đã ghi thông tin thửa đất vào sổ mục kê nhưng không thống nhất. Do đó, Tổng cục Quản lý ruộng đất đã ban hành Quyết định 56/ĐKTK vào ngày 05/11/1981, quy định thủ tục đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước và kể từ đó thống nhất sử dụng mẫu sổ mục kê.
Sổ mục kê đã được sử dụng rất sớm nhưng đến khi Luật Đất đai năm 2003 được ban hành thì sổ mục kê là gì mới được giải thích rõ căn cứ tại khoản 15 Điều 4 Luật Đất đai 2003:
“Sổ mục kê đất đai là sổ được lập cho từng đơn vị xã, phường, thị trấn để ghi các thửa đất và các thông tin về thửa đất đó.”
Định nghĩa sổ mục kê đất đã bị bãi bỏ tại Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính đã có quy định về chức năng của sổ mục kê, cụ thể: “Sổ mục kê đất đai được lập để liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã”.
Do đó sổ mục kê có thể được hiểu là sổ ghi lại kết quả điều tra, đo đạc địa chính nhằm tổng hợp những thông tin về đặc điểm của thửa đất và các đối tượng chiếm đất mà không tạo thành thửa đất bao gồm: diện tích, loại đất, số hiệu thửa đất, số hiệu tờ bản đồ, tên chủ sở hữu đất và người được giao nhiệm vụ quản lý đất nhằm phục vụ yêu cầu về việc quản lý đất đai.
Sổ mục kê đất có ý nghĩa như thế nào trong việc quản lý đất đai?
Sổ mục kê đất đai là sổ được lập để làm cơ sở quản lý đất đai của từng địa phương
- Thứ nhất, Sổ mục kê là cơ sở để Nhà nước nắm rõ thông tin về ruộng đất và thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định được ban hành trong luật đất đai. Theo đó, Nhà nước có thể nắm rõ thông tin về ruộng đất ở từng địa phương, từng đơn vị cụ thể như xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố thông qua sổ mục kê. Vì vậy sổ mục kê là phương tiện để nhà nước quản lý đất đai một cách hiệu quả nhất.
- Thứ hai, sổ mục kê còn là cơ sở để người đang sở hữu đất được phép cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, người đứng tên trong sổ mục kê được phép yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã được kê khai trong sổ mục kê.
Như vậy có thể nhận thấy rằng sổ mục kê đóng vai trò rất quan trọng việc Nhà nước quản lý đất đai. Không chỉ vậy sổ mục kê còn là căn cứ để người sở hữu đất đai được phép cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng từ đó họ được thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
II. Nội dung của sổ mục kê đất đai mới nhất 2023
Sổ mục kê đất đai là kết quả của việc đo đạc địa chính, tổng hợp thông tin lập hồ sơ lưu trữ ghi nhận quá trình sử dụng của người sử dụng đất đối với một thửa đất. Sổ mục kê đất đai được cơ quan tài nguyên môi trường lập dưới dạng số và dạng giấy được cơ quan tài nguyên và môi trường lập.
Nội dung lưu trữ được thực hiện theo luật. Cụ thể, tại điều 20 thông tư 24/2014/TT- BTNMT quy định các nội dung chính về sổ mục kê đất đai như sau:
Căn cứ điều 20 thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định những nội dung chính về sổ mục đất đai cụ thể như sau:
- Bản đồ địa chính là thành phần của hồ sơ địa chính; thể hiện vị trí, ranh giới, diện tích các thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; được lập để đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các nội dung khác của quản lý nhà nước về đất đai.
- Sổ mục kê đất đai là sản phẩm của việc điều tra, đo đạc địa chính, để tổng hợp các thông tin thuộc tính của thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất gồm: Số hiệu tờ bản đồ, số hiệu thửa đất, diện tích, loại đất, tên người sử dụng đất và người được giao quản lý đất để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai.
- Bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai được lập dưới dạng số và được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu địa chính để sử dụng cho quản lý đất đai ở các cấp; được in ra giấy để sử dụng ở những nơi chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính hoặc chưa có điều kiện để khai thác sử dụng bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai dạng số.
- Việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai được thực hiện theo quy định về bản đồ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Trường hợp chưa đo đạc lập bản đồ địa chính thì được sử dụng các loại tài liệu đo đạc khác để thực hiện đăng ký đất đai theo quy định như sau:
- Nơi có bản đồ giải thửa thì phải kiểm tra, đo đạc chỉnh lý biến động ranh giới thửa đất, loại đất cho phù hợp hiện trạng sử dụng và quy định về loại đất, loại đối tượng sử dụng đất theo Thông tư này để sử dụng;
- Nơi có bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn thì phải kiểm tra, chỉnh lý cho phù hợp hiện trạng sử dụng đất và biên tập lại nội dung theo quy định về bản đồ địa chính để sử dụng;
- Trường hợp không có bản đồ giải thửa hoặc bản đồ quy hoạch xây dựng chi tiết thì thực hiện trích đo địa chính để sử dụng theo quy định về bản đồ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hiện tại, sổ mục kê được lập dưới dạng số, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu đất đai và được in ra nhằm mục đích phục vụ việc khai thác thông tin đất đai. Xét về mặt pháp lý, sổ mục kê ghi nhận các thông tin về thửa đất, trong đó bao gồm tên người sử dụng đất và người được giao quản lý đất.
Đây được coi là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét ai là người có quyền sử dụng, quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
III. Quy định về lập sổ mục kê đất đai
Căn cứ Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, sau khi đã tiến hành đo đạc, thu thập, chỉnh lý thông tin địa chính cơ quan có thẩm quyền (cơ quan tài nguyên môi trường) sẽ lập sổ mục kê đất đai . Việc lập sổ mục kê đất đai được thực hiện như sau:
- Sổ mục kê đất đai được lập dưới dạng số, được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu đất đai và được in cùng với bản đồ địa chính để lưu trữ.
- Sổ mục kê cũng được được sao để sử dụng đối với nơi chưa có điều kiện khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai.
- Việc lập sổ mục kê đất đai được thực hiện sau khi hoàn thành việc biên tập mảnh bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính.
- Nội dung, hình thức của mẫu sổ mục kê đất đai được quy định tại phụ lục số 15 đính kèm theo Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT.
IV. Giá trị pháp lý của sổ mục kê đất đai
Thứ nhất, Sổ mục kê đất đai là căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời là căn cứ để xác định hộ gia đình, cá nhân có phải nộp tiền sử dụng đất hay không không.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1 Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có sổ mục kê lập trước ngày 18/12/1980 thì được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Đồng thời, trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có sổ mục kê được lập trước ngày 18/12/1980 mà sổ ghi tên người khác nhưng đến trước ngày 01/7/2014 vẫn chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định thì được cấp Giấy chứng nhận đồng thời không phải nộp tiền sử dụng đất nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan.
- Đất đó không xảy ra tranh chấp.
Thứ hai, sổ mục kê đất đai là căn cứ để xác định sử dụng ổn định khi cấp Giấy chứng nhận.
Sổ mục kê được lập qua các thời kỳ là căn cứ để xác định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định khi cấp Giấy chứng nhận với điều kiện sổ mục kê có ghi thông tin về thời gian (căn cứ khoản 2 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Bài viết trên đây của Vinaland đã giải đáp chi tiết những vấn đề liên quan đến sổ mục kê đất đai. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích và đặc biệt giúp các bạn hiểu rõ giá trị pháp lý của sổ mục kê đất đai trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.