Dù các giao dịch chuyển nhượng nhà đất chưa có sổ đỏ không được công nhận giá trị pháp lý song chúng vẫn diễn ra phổ biến. Điều này xuất phát từ việc các bất động sản chưa có sổ đỏ thường có mức giá chuyển nhượng thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Vậy có nên nhận chuyển nhượng nhà đất chưa có sổ đỏ không? Thủ tục mua bán như thế nào? Hãy theo dõi bài viết sau đây của Vinaland để có cái nhìn tổng quan về vấn đề này.

I. Rủi ro khi nhận chuyển nhượng nhà đất chưa có sổ đỏ

Theo ý kiến của các chuyên gia, chỉ một số ít những người mua nhà đất chưa có sổ đỏ có thể hợp thức hóa và xin cấp giấy chứng nhận, còn phần lớn còn lại sẽ gặp phải các rủi ro về mặt pháp lý lẫn thực tiễn.
- Thứ nhất, người nhận chuyển nhượng không thể làm thủ tục xin cấp sổ đỏ vì không đáp ứng các điều kiện của pháp luật;
- Thứ hai, không thể làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất do không có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của Luật Đất đai 2013;
- Thứ ba, do đất chưa có sổ đỏ nên hợp đồng chuyển nhượng không có giá trị pháp lý. Hậu quả của việc này là người mua dễ gặp phải tình trạng tranh chấp hoặc đất đã có quyết định thu hồi của Nhà nước, đất lấn chiếm trái phép,…
- Thứ tư, trong trường hợp có nhu cầu vay vốn thì người mua cũng không thể dùng quyền sử dụng đất để thế chấp vì không có sổ đỏ;
- Thứ năm, Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi chuyển quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện là 3 – 5 triệu đồng.
II. Cách xử lý khi mua đất chưa có sổ đỏ

Theo các chuyên gia pháp lý, với trường hợp bạn đã hoàn tất việc mua đất chưa có sổ đỏ thì bạn nên làm hợp đồng đặt cọc. Trong hợp đồng phải có các điều khoản quy định về nghĩa vụ, bồi thường khi không thực hiện nghĩa vụ của bên bán. Đồng thời, bạn nên làm giấy ủy quyền quản lý, sử dụng và định đoạt để khi có đủ điều kiện cấp sổ đỏ thì bạn sẽ chủ động xin cấp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu thêm một vài vấn đề về nguồn gốc đất, thuộc nhóm đất nào, có đang bị tranh chấp, lấn chiếm hay có quyết định thu hồi không,… Bạn có thể tìm hiểu các thông tin này bằng cách đến gặp các cán bộ địa chính tại UBND xã, phương nơi có đất.
Một điều cần chú ý nữa là hãy kiểm tra giấy tờ tùy thân của bên chuyển nhượng. Trong trường hợp thửa đất là tài sản chung của vợ chồng thì cần sự đồng ý của cả 2 vợ chồng khi thực hiện giao dịch.
Đồng thời, khi giao kết hợp đồng chuyển nhượng cần có người làm chứng và có thể yêu cầu bên chuyển nhượng điểm chỉ vào hợp đồng. Khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán nên thực hiện tại ngân hàng hoặc viết giấy biên nhận về việc nhận tiền.
III. Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất chưa có sổ đỏ

Việc chuyển nhượng nhà đất chưa có sổ đỏ là không đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, bên nhận chuyển nhượng phải kiên quyết nhận được cam kết của bên chuyển nhượng về việc thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ sau khi giao kết hợp đồng.
Sau đây là một vài nội dung nên có trong giấy viết tay chuyển nhượng mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ để đảm bảo quyền lợi cho các bên một cách tốt nhất:
- Thông tin của các bên giao kết: bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng;
- Các thông tin về đối tượng của hợp đồng: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất;
- Giá chuyển nhượng, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán;
- Điều kiện về nghĩa vụ giao đất, đăng ký quyền sử dụng đất;
- Trách nhiệm đóng thuế cũng như các khoản phí khác;
- Cách thức giải quyết khi xảy ra tranh chấp;
- Cam kết của các bên về việc thực hiện nghĩa vụ.

Trên đây là tất cả những thông tin về chuyển nhượng nhà đất chưa có sổ đỏ mà Vinaland gửi đến bạn. Mong rằng, sau khi đọc bài viết bạn đã có sự hiểu biết nhất định về rủi ro và lợi ích của việc mua nhà đất chưa có sổ đỏ. Để tìm hiểu thêm các kiến thức về chuyển nhượng bất động sản mời bạn trung cập vào Website: vinaland.co.