Hiểu rõ về tranh chấp đất đai sẽ giúp bạn có thể giải quyết mọi vấn đề mà vẫn đảm bảo quyền lợi cao nhất cho bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tranh chấp đất đai là gì và có những dạng tranh chấp nào. Bài viết dưới đây của Vinaland sẽ giúp bạn tìm được lời giải đáp cho mọi mắc mắc.
Tranh chấp đất đai là gì?
Tranh chấp đất đai được biết tới là một trong những loại tranh chấp phổ biến và phức tạp nhất hiện nay, chiếm phần lớn các án tranh tụng tại Tòa án Việt Nam.
Vì vậy, để giải quyết chu toàn, bạn cần xác định được các dạng tranh chấp đất đai phổ biến. Điều này giúp định danh rõ đương sự có quyền khởi kiện tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự hay thuộc về tố tụng hành chính, tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án hay Ủy ban nhân dân, thời hiệu khởi kiện và là cơ sở để xác định trình tự, thủ tục cùng đường lối giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, thuật ngữ tranh chấp đất đai là gì cũng được nêu rõ tại Khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013 như sau: Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Một số đặc điểm điển hình của tranh chấp đất đai bao gồm:
- Đối tượng trong tranh chấp đất đai thường là quyền quản lý, quyền sử dụng cùng những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một kiểu tài sản đặc biệt mà không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp.
- Các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lý và sử dụng đất chứ không có quyền sở hữu với đất đai.
- Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể sở hữu. Do đó, khi nó xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tham gia mà còn liên quan đến lợi ích Nhà nước bởi khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được quyền của mình và ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Xác định 3 dạng tranh chấp đất đai phổ biến
Dạng tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất
Đây là dạng tranh chấp xảy ra giữa các bên với nhau về vấn đề ai có quyền sử dụng hợp pháp với mảnh đất này. Dưới đây là một số hình thức của tranh chấp về quyền sử dụng đất:
- Tranh chấp giữa những người sử dụng về ranh giới giữa vùng đất được sử dụng và quản lý: Nguyên nhân xảy ra tranh chấp chủ yếu là do các bên không tự thỏa thuận được với nhau, hoặc có một bên tự ý thay đổi ranh giới sử dụng trong quá trình đất được chuyển nhượng qua tay nhiều người. Ngoài ra, việc cho thuê, cho thuê lại hoặc sai sót từ phía cơ quan chức năng trong quá trình đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong mối quan hệ thừa kế: Xảy ra trong trường hợp người chết có quyền sử dụng đất nhưng chưa để lại di chúc, hoặc di chúc không hợp pháp mà các đồng thừa kế không tự thỏa thuận được với nhau, phải khởi kiện ra Tòa án. Ngoài ra, hình thức tranh chấp này có thể có hoặc không có tài sản gắn liền với đất.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đặt trong mối quan hệ ly hôn giữa hai vợ chồng: Lúc này, quyền sử dụng đất có được trong thời kỳ hôn nhân bao gồm chuyển nhượng, Nhà nước giao đất, được cho tặng, khai hoang được thừa nhận bởi Nhà nước hoặc thừa kế của hai vợ chồng không tự thỏa thuận được với nhau sau ly hôn thì tranh chấp sẽ xảy ra.
- Đòi lại đất và những tài sản gắn liền với đất: Tranh chấp này xảy ra trong trường hợp người có quyền sử dụng đất đã cho mượn, cho thuê hoặc cho ở nhờ nhưng người được mượn, thuê, ở nhà không chịu trả lại. Ngoài ra, có trường hợp căn cứ theo chính sách pháp luật của Nhà nước về đất được chia, cấp cho người khác nhưng họ đã khởi kiện để đòi lại, hoặc đất được tặng nhưng người tặng có nhu cầu đòi lại,…
- Ngoài ra còn có tranh chấp giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới, giữa đồng bài địa phương với các nông trường, lâm trường và những tổ chức sử dụng đất khác.
Dạng tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Nếu một bên vi phạm, làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện quyền của phía bên kia hoặc một bên thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình cũng gây ra tranh chấp đất đai. Dưới đây là một số hình thức điển hình của dạng tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất:
- Tranh chấp xảy ra do việc thực hiện quyền sử dụng đất bị cản trở, khi một bên được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất nhưng không thể sử dụng do có người khác can thiệp.
- Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh hay góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
- Tranh chấp phát sinh do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất nhằm mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia và cộng đồng.
Hiện nay, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất là dạng tranh chấp liên quan đến mức độ và diện tích được bồi thường không được thỏa mãn như ý nguyện của người sở hữu. Bên cạnh đó, nó là tranh chấp giữa người đại diện chủ sở hữu – Nhà nước hoặc người được giao quyền quản lý với người sử dụng đất, được đánh giá là tranh chấp điển hình và gay gắt.
Dạng tranh chấp liên quan đến mục đích sử dụng đất
Đây là dạng tranh chấp ít gặp, liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất, điển hình là tranh chấp trong nhóm đất nông nghiệp, giữa đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản, giữa đất trồng nhóm cây hàng năm và đất trồng nhóm cây lâu năm,….
Hầu hết tranh chấp về mục đích sử dụng đất đều có cơ sở giải quyết vì trong quá trình phân bổ đất đai cho các chủ thể, Nhà nước đã xác định rõ mục đích sử dụng thông qua quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy, tranh chấp chủ yếu xảy ra là do người sử dụng đã dùng sai mục đích mà Nhà nước giao đất hay cho thuê đất.
Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Giải quyết tranh chấp đất đai là những hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mục đích để giải quyết được các bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên, qua đó tìm ra giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật và xác định rõ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai.
Hiện tại, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định cụ thể trong Điều 23 Luật Đất đai 2013 như sau:
- Nếu tranh chấp đất đai xảy ra mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc sở hữu một trong những giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp tài sản gắn liền với đất thì Tòa án nhân dân sẽ là nơi giải quyết.
- Nếu tranh chấp đất đai xảy ra mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sở hữu hay không có loại giấy tờ nào được quy định trong Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức giải quyết này:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền đã được quy định tại Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013.
- Tiến hành khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo những quy định của pháp luật liên quan đến tố tụng dân sự.
Bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc về tranh chấp đất đai là gì và phân loại rõ từng dạng tranh chấp phổ biến hiện nay. Nếu bạn gặp vướng mắc gì về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, hãy gọi tới Hotline 0907 138 283 của Vinaland để được các chuyên gia trực tiếp tư vấn giải đáp chính xác nhất.