Khi thửa đất của bạn xảy ra tranh chấp hoặc cần chứng minh diện tích thì giấy trích lục đất có vai trò khá quan trọng. Vậy trích lục đất là gì? Thủ tục và quy trình thực hiện trích lục đất như thế nào? Hãy cùng Vinaland tìm hiểu qua bài viết chi tiết sau.
I. Trích lục đất là gì?
Trích lục đất hay còn gọi là trích lục bản đồ địa chính, là hình vẽ thu nhỏ thể hiện đầy đủ các thông tin của thửa đất cùng các yếu tố địa lý, môi trường xung quanh, được lập theo đơn vị hành chính xã/phường/thị trấn và được cơ quan chức năng xác nhận. Theo đó, bản trích lục đất sẽ cung cấp chính xác thông tin về vị trí, hình dáng, diện tích thửa đất… dựa trên hồ sơ gốc, bao gồm:
- Số thứ tự của mảnh đất trên bản đồ, địa chỉ đất tại xã, huyện, tỉnh
- Diện tích đất lớn hay nhỏ
- Mục đích sử dụng của mảnh đất
- Thông tin cơ bản của người sở hữu đất
- Các thay đổi mới nhất của miếng đất so với giấy tờ pháp lý
- Bản vẽ chi tiết mảnh đất gồm sơ đồ và kích thước đất
Bạn cũng cần lưu ý rằng, bản trích lục đất chỉ là tài liệu cung cấp các thông số chi tiết về thửa đất hoặc một khu vực nhất định, không có giá trị pháp lý để chứng minh quyền sở hữu và sử dụng đất trong các giao dịch bất động sản. Bản trích lục đất được quản lý bởi Văn phòng đăng ký đất đai, đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh hoặc chi nhánh cấp huyện.
II. Một số trường hợp cần trích lục đất
1. Khu đất chưa có trích lục đất hoặc trích đo thửa đất
Tại Khoản 3 Điều 77 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP có quy định rõ trường hợp đất chưa có bản trích lục và trích đo thửa đất thì Văn phòng đăng ký đất tại địa phương cần tiến hành trích lục bản đồ địa chính và trích đo địa chính thửa đất theo quy định pháp luật.
2. Người giao đất, thuê đất có yêu cầu xin trích lục hồ sơ đất đai
Tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT quy định trong quá trình giao đất, thuê đất hoặc các vấn đề liên quan khác, nếu người dân yêu cầu trích lục hồ sơ đất thì cơ quan Tài nguyên và môi trường tại địa phương có trách nhiệm đo đạc và cung cấp bản đồ địa chính đầy đủ cho người dân.
3. Thửa đất xảy ra các vấn đề tranh chấp
Bản trích lục đất là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đó giải quyết các vấn đề tranh chấp đất đai.
4. Khi ranh giới thửa đất bị mờ hoặc mất
Khi ranh giới thửa đất bị mờ hoặc mất, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định được diện tích và giới hạn đất thông qua bản trích lục.
5. Hỗ trợ thực hiện quyền của người sở hữu đất
Khi chủ sở hữu thửa đất thực hiện các thủ tục pháp lý như chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp hoặc thừa kế thì bản trích lục đất là giấy tờ không thể thiếu.
III. Thủ tục và quy trình thực hiện trích lục bản đồ địa chính đất đai
4.1. Chuẩn bị hồ sơ trích lục thửa đất
Để quá trình thực hiện bản trích lục đất được thuận lợi, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu cung cấp trích lục đất đai theo mẫu
- Hợp đồng/văn bản yêu cầu trích lục đất đai
- Bản sao các loại giấy tờ về sử dụng đất
- Giấy tờ tùy thân: CMND/CCCD… của người yêu cầu
4.2. Quy trình xin giấy trích lục đất
Bước 1: Nộp đầy đủ giấy tờ, hồ sơ xin trích lục thửa đất
- Đối với tổ chức xin giấy trích lục đất đai, cần nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh
- Còn đối với cá nhân, cần nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện
Ngoài ra, cần nộp phiếu yêu cầu tại văn phòng/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc tại UBND cấp xã/phường.
Bước 2: Tiến hành kiểm tra và thẩm định hồ sơ
Khi nhận được hồ sơ hợp lệ từ người yêu cầu, văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiến hành giải quyết theo trình tự sau:
- Cung cấp trích lục đất đai cho người yêu cầu
- Thông báo các khoản phí cần phải nộp cho cá nhân, tổ chức (nếu có)
- Trường hợp từ chối cung cấp trích lục đất đai thì văn phòng cần trả lời rõ bằng văn bản và giải thích lý do
Các trường hợp không được phê duyệt và cấp giấy trích lục đất đai, bao gồm:
- Nội dung của phiếu yêu cầu trích lục đất không cụ thể, rõ ràng
- Phiếu yêu cầu không có đầy đủ chữ ký, họ tên và địa chỉ của người yêu cầu
- Mục đích sử dụng bản trích lục đất không phù hợp với quy định của pháp luật
- Cá nhân, tổ chức không trả phí khi có yêu cầu
Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm thực hiện việc trích lục, trích đo thửa đất chưa có bản đồ địa chính hoặc khu đất có ranh giới bị mờ, mất và cung cấp bản trích lục đất theo đúng yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Bước 3: Đóng phí theo quy định và nhận kết quả
Sau khi người yêu cầu đóng đầy đủ các khoản phí theo quy định thì sẽ nhận kết quả trong thời hạn 3 ngày tính từ ngày có kết quả giải quyết.
- Nếu người yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ yêu cầu trích lục trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày, nếu nộp hồ sơ sau 15 giờ thì sẽ được giải quyết vào ngày làm việc tiếp theo
- Trường hợp các cá nhân, tổ chức yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thì thời gian giải quyết được xác định theo thỏa thuận giữa văn phòng đăng ký đất đai và người yêu cầu
IV. Khu đất chỉ có giấy trích lục được làm sổ đỏ không?
Xét theo Điểm b Khoản 3 Điều 70 của Nghị định 43/2014/NĐ – CP thì bản trích lục đất không có giá trị pháp lý và không phải điều kiện để cấp sổ đỏ, sổ hồng hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
V. Nên thực hiện giao dịch khi đất chỉ có giấy trích lục hay không?
Nếu thửa đất chỉ có bản trích lục mà không có các giấy tờ pháp lý khác như sổ đỏ, giấy đóng thuế đất… thì việc đầu tư hay thực hiện các giao dịch bất động sản sẽ tiềm ẩn rủi ro khá lớn. Trường hợp bạn muốn mua ngôi nhà được xây trên mảnh đất đang xảy ra tranh chấp, vay thế chấp ngân hàng, sử dụng sai mục đích… mà chỉ có bản trích lục đất thì nguy cơ trắng tay là rất lớn. Bởi giấy trích lục đất chỉ cung cấp các thông tin về thửa đất, giúp người mua kiểm tra, so sánh với thực tế chứ không có bất kỳ giá trị pháp lý nào trong các giao dịch mua bán bất động sản.
VinaLand đã tổng hợp và chia sẻ thông tin về giấy trích lục đất cũng như các vấn đề liên quan. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề đất chỉ có giấy trích lục, hãy liên hệ với Vinaland qua hotline 0907.138.283 – 0898.136.333 hoặc truy cập website vinaland.co để được hỗ trợ nhanh nhất.