Theo pháp luật quy định, thủ tục thu hồi đất sẽ phải thực hiện theo đúng trình tự với đầy đủ các giấy tờ và những yếu tố cần thiết. Vậy cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì và thực hiện theo nguyên tắc nào? Bài viết bên dưới, Vinaland sẽ mang đến cho bạn đầy đủ những thông tin về trình tự thu hồi đất theo luật đất đai 2013.

I . Thu hồi đất là gì?
Căn cứ theo Khoản 11, Điều 3 Luật Đất đai 2013: Thu hồi đất là trường hợp Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người khác nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật về luật đất đai trong quá trình sử dụng đất.
II. Căn cứ thu hồi đất
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 16 của Luật Đất đai 2013, Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, dân tộc, công cộng.
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất.
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật, tự nguyện trả lại đất hoặc có việc sử dụng đất nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
III. Thẩm quyền thu hồi đất thuộc về cơ quan chức năng nào?
Hiện nay, căn cứ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành thì không phải cơ quan nào cũng có thẩm quyền thu hồi đất. Theo quy định tại Điều 66 Luật đất đai 2013 thì chỉ có Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện mới có thẩm quyền thu hồi đất. Trong đó:
– Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất trong các trường hợp sau:
- Thu hồi đất đối với các tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trừ trường hợp thu hồi đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
- Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của phường, xã hoặc thị trấn.

– Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất trong các trường hợp sau:
- Thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
- Thu hồi đất ở của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Ngoài ra, nếu trong khu vực thu hồi đất vừa có đối tượng bị thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh vừa có đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của UBND cấp huyện thì một trong hai cơ quan chức năng trên sẽ quyết định thu hồi đất.
Như vậy, thu hồi đất là hình thức mà Nhà nước thu hồi lại quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất. Trong đó, UBND các cấp tỉnh, UBND cấp huyện có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi đất theo chức năng và nhiệm vụ của mình. Việc thu hồi đất sẽ được thực hiện theo trình tự và thủ tục chặt chẽ, nghiêm ngặt theo quy định tại của Luật đất đai năm 2013.
IV. Điều kiện được thu hồi đất

Căn cứ theo Điều 71 Luật đất đai năm 2013 và Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện như sau:
1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất
Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất cần đáp ứng những nguyên tắc sau: tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, đảm bảo trật tự, an toàn, theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và chỉ được thực hiện trong giờ hành chính.
2. Điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Người bị thu hồi có hành vi cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất dù đã được UBND cấp xã, các đoàn thể phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng vận động, thuyết phục.
– Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đã được công bố, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, các địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi.
– Chỉ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất khi quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
– Chỉ thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi người bị cưỡng chế nhận được Quyết định cưỡng chế thực hiện thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp người bị cưỡng chế cố tình vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế hoặc từ chối không nhận quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập biên bản ghi nhận về sự việc này.
V. Hồ sơ pháp lý của việc cưỡng chế thu hồi đất theo luật đất đai 2013

Theo nội dung quy định về việc cưỡng chế thu hồi đất được quy định tại Điều 71 Luật đất đai năm 2013 và Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hồ sơ pháp lý của việc cưỡng chế thu hồi đất cần có các giấy tờ sau đây:
– Văn bản quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (quyết định cưỡng chế thu hồi đất).
– Phương án cưỡng chế thu hồi đất.
– Các văn bản ghi nhận việc giao nhận tài sản của người bị cưỡng chế khi nhận lại tài sản, biên bản ghi nhận việc tự chấp hành (khi người bị cưỡng chế tự nguyện chấp hành), văn bản phối hợp làm việc giữa Ban cưỡng chế thu hồi đất, UBND cấp xã và các bên có liên quan.
VI. Trình tự thu hồi đất theo luật Đất đai 2013 – bao gồm mấy bước?
1. Bước 1: Thông báo thu hồi đất
Đầu tiên, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất. Thông báo này được gửi đến từng người bị thu hồi đất, họp phổ biến đến người dân và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
2. Bước 2: Ra quyết định thu hồi đất
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất thuộc về các chủ thể sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Thu hồi đất đối với các tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trừ trường hợp thu hồi đất của người Việt Nam định cư nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường hoặc thị trấn.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện: Thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; đất ở của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Nếu trong khu vực thu hồi đất vừa có đối tượng bị thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh vừa có đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của UBND cấp huyện thì một trong hai cơ quan chức năng trên sẽ ra quyết định thu hồi đất.
3. Bước 3: Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất
Người sử dụng đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc và kiểm đếm.
Nếu người bị thu hồi đất không phối hợp với các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc và kiểm đếm thì UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tổ chức vận động, thuyết phục người bị thu hồi đất thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Nếu sau 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất bị thu hồi phải có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc.
Ngoài ra, nếu người có đất thu hồi không chấp hành theo quy định thì Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc và thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70, Luật đất đai 2013.
4. Bước 4: Lấy ý kiến, lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Các đơn vị tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cần lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với UBND cấp xã tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã hoặc địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Đồng thời, việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và đại diện những người có đất bị thu hồi.

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cần tổng hợp và ghi rõ ý kiến đóng góp bằng văn bản, số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý và số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bên cạnh đó, các tổ chức này còn cần phải phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức trò chuyện trực tiếp với những trường hợp không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hoàn chỉnh phương án trình lên cơ quan có thẩm quyền.
Sau đó, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình lên UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất chính thức.
5. Bước 5: Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
– UBND cấp xã có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong cùng một ngày.
– Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cần phối hợp với UBND cấp xã trong việc phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã và các địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi.
– Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cần gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư đến người có đất thu hồi. Trong đó, văn bản phải ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà ở hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian bố trí nhà ở hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường và thời gian bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
6. Bước 6: Tổ chức chi trả bồi thường
Căn cứ vào Điều 93 Luật đất đai 2013, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền chính thức ban hành quyết định thu hồi đất thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất.
Nếu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chi trả chậm tiền cho người bị thu hồi đất thì khi đến ngày chi trả, họ sẽ được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính dựa trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
Ngoài ra, nếu người có đất bị thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phê duyệt thì số tiền này sẽ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước Việt Nam.
Trong trường hợp những người bị thu hồi đất đã được Nhà nước bồi thường chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai đối theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách của nhà nước.
Trên đây là toàn bộ những điều cần thiết về trình tự thủ tục thu hồi đất theo luật đất đai 2013. Hy vọng, qua bài viết này của Vinaland mong rằng sẽ giúp cho bạn nắm được rõ hơn về các bước làm thủ tục thu hồi đất đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc khác về vấn đề thu hồi đất, hãy truy cập vào website vinaland.co hoặc liên hệ trực tiếp số hotline 0907 13 82 83 – 0898 13 63 33 để được tư vấn và hỗ trợ tận tâm nhất.